Xuất khẩu rau quả ghi dấu ấn tại nhiều thị trường

Bất chấp dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, trong quý I/2021, xuất khẩu rau quả của Việt Nam vẫn đạt hơn 900 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy triển vọng xuất khẩu rau quả ngày càng rộng mở và doanh nghiệp tận dụng hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết.
Sơ chế, phân loại cà rốt xuất khẩu tại Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương, huyện Cẩm Giàng
Sơ chế, phân loại cà rốt xuất khẩu tại Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương, huyện Cẩm Giàng

Tăng trưởng mạnh mẽ
Thông tin Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 3/2021, trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt 380 triệu USD, tăng 6,3% so với tháng 3/2020. Tính chung trong 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 944 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả đạt được nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh nên hoạt động xuất khẩu không bị gián đoạn.
Không chỉ tăng mạnh về kim ngạch mà xuất khẩu rau quả của Việt Nam ghi nhận sự đa dạng về thị trường. Hàng rau quả xuất khẩu chủ yếu tới thị trường Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2021 đạt trên 350 triệu USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 62,5% tổng trị giá xuất khẩu của ngành hàng này. Tiếp đến là Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đáng chú ý, trị giá xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường Đài Loan, Australia và Malaysia tăng rất mạnh. Trị giá xuất khẩu sang thị trường Đài Loan đạt hơn 12,8 triệu USD (tăng 43,1%), Australia đạt 11,9 triệu USD (tăng 30,6%), Malaysia đạt 9,2 triệu USD (tăng 32,5%).

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, việc tận dụng tính hiệu lực các hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… đang mở đường lớn cho các DN tăng kim ngạch xuất khẩu rau quả trong năm nay. Đáng nói, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) dự kiến có hiệu lực chính thức từ ngày 01/5 tới, hứa hẹn tạo ra động lực mới cho hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Khi đó, hơn 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả có mức thuế suất 0%. Nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như: Vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa… có thêm lợi thế tiếp cận thị trường trong bối cảnh các loại hoa quả nhiệt đới xuất xứ từ các quốc gia cạnh tranh như: Brazil, Thái Lan, Malaysia đều chưa có FTA với Vương quốc Anh.

Nâng chất lượng, đầu tư chế biến sâu

Chỉ ra những vấn đề nội tại của ngành hàng rau quả xuất khẩu, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho rằng, hiện nay, quy mô sản xuất rau quả của Việt Nam tuy lớn nhưng còn manh mún, chưa sản xuất tập trung với quy mô lớn nên việc áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với từng hộ nông dân đang là yếu điểm của ngành. Trong khi đó, sản xuất rau quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP còn khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 10 - 15% tổng diện tích trồng trọt nên DN gặp khó khăn trong huy động lượng hàng lớn đạt tiêu chuẩn thực hiện các hợp đồng xuất khẩu. “Yêu cầu đặt ra đối với ngành hàng rau quả Việt Nam trong thời gian tới vẫn là tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm có truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm trên cơ sở xây dựng các vùng trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và đầu tư các nhà máy chế biến có chứng nhận tiêu chuẩn ISO, chứng nhận xã hội, môi trường…” - ông Đặng Phúc Nguyên nhấn mạnh.

Nhận định về thị trường rau quả năm 2021, ông Trần Thanh Hải cho biết, riêng thị trường Trung Quốc, trong năm nay, Trung Quốc sẽ siết chặt xuất khẩu chính ngạch thông qua việc tăng cường truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng mã QR code và cấm xuất khẩu tiểu ngạch. Bên cạnh đó, những khó khăn về vận chuyển, giá cước tăng cao, thiếu container rỗng, đường hàng không trục trặc... làm ảnh hưởng đến giá thành. Ngoài ra, sức tiêu thụ ở thị trường nhập khẩu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn là thách thức lớn. Do đó, Bộ Công Thương đang tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT phân tích và đưa ra nhận định cụ thể về các thị trường, từ đó giúp người sản xuất và DN có định hướng trong sản xuất, xây dựng chiến lược kinh doanh, tận dụng lợi thế từ các FTA.
Nhiều chuyên gia khuyến nghị, để tận dụng cơ hội thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, các DN cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng đúng các tiêu chuẩn mà phía thị trường nhập khẩu yêu cầu. Về giải pháp trước mắt và lâu dài, các DN cần tập trung đầu tư vào khâu chế biến sâu, để khi xuất khẩu trái cây tươi gặp trục trặc thì vẫn có thể đưa vào chế biến, bảo quản, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Hiện cả nước có 1 triệu ha cây ăn quả, sản lượng hơn 12,6 triệu tấn. Sản phẩm trái cây của Việt Nam đã xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới. Ðến nay, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã cấp được 998 mã số vùng trồng các loại trái cây để xuất khẩu vào thị trường chất lượng cao như: Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, EU. Ngoài ra, cũng đã cấp 47 mã số cơ sở đóng gói cho nông sản xuất khẩu sang các thị trường này.

Kinh tế đô thị

(Nguồn: vlr.vn)