Vì sao công nghệ logistics quan trọng với thương mại điện tử?

CEO HyperTrack ví nền tảng công nghệ logistics như cơ bắp trên lưng người, lớn và quan trọng, góp phần quyết định thành bại của doanh nghiệp thương mại điện tử.

Ông Kashyap Deorah, Giám đốc điều hành HyperTrack, một trong những cộng đồng xây dựng nền tảng công nghệ logistics lớn nhất thế giới, cho biết quy mô thị trường toàn cầu của công nghệ marketing (Martech) lớn gấp bảy lần công nghệ logistics. Dù vậy, logistics vẫn cho thấy sự bành trướng khi có quy mô lớn gấp đôi so với thương mại điện tử, lĩnh vực được cho là có sự bứt phát vượt trội trong hai năm trở lại đây.

Công nghệ logistics từng bị "lãng quên"

Hiện ngành công nghệ Marketing toàn cầu chạm mốc 121,5 tỷ USD trên toàn thế giới, phục vụ cho thị trường thương mại điện tử toàn cầu khoảng 5.000 tỷ USD. Trong khi đó, ngành công nghiệp logistics lại được tính bằng phần trăm GDP.

Toàn ngành logistics hiện chiếm khoảng 12% GDP toàn cầu, tương đương 9.600 tỷ USD (ước tính). Tuy nhiên, công nghệ logistics lại chỉ chiếm khoảng 17,4 tỷ USD. Tỷ lệ vốn đầu tư đổ vào lĩnh vực này cũng ở mức thấp bất ngờ khi chỉ ở mức 0,18%. Trong khi vốn đầu tư công nghệ vào giao diện lại đến 2,43%.

Trước đây, Kashyap Deorah từng phụ trách mảng kinh doanh thương mại điện tử cho một tập đoàn bán lẻ lớn. Hầu hết lãnh đạo cấp cao tại đây đều cho rằng bán lẻ chỉ cần chú trọng sản phẩm và giá cả. Chỉ cần người mua nhận được hàng hóa với chất lượng tương xứng giá cả đã được xem là một đơn hàng thành công. Tuy nhiên vị CEO HyperTrack lại cho rằng chỉ hai yếu tố này thôi chưa đủ làm nên lợi thế cạnh tranh vững chắc.

Nhân viên kiểm tra kho hàng tại một trung tâm phân loại của Lazada. Ảnh: Lazada
Nhân viên kiểm tra kho hàng tại một trung tâm phân loại của Lazada. Ảnh: Lazada

Đầu tư công nghệ logistics được cho là góp phần thay đổi diện mạo ngành hậu cần vì giúp cắt giảm gần như toàn bộ những khâu vận hành thủ công. Thay vì cần nhân sự phụ trách, giờ đây mọi thứ có thể xử lý hoàn toàn tự động với chỉ một người giám sát. Ngoài tối ưu trải nghiệm mua sắm, thanh toán đơn hàng, công nghệ còn giúp doanh nghiệp phân tích chi phí và hiệu suất nhanh chóng, dễ dàng hơn.

Năm 1997, tỷ phú Jeff Bezos từng đề cập đến việc họ sẽ triển khai "đầu tư bền vững" vào hệ thống, cơ sở hạ tầng, hỗ trợ khách hàng mua sắm thuận tiện hơn, bên cạnh lựa chọn về thương hiệu, chất lượng và giá cả. Năm 2008, ông vị tỷ phú tiếp tục thể hiện niềm tin mạnh mẽ rằng giao hàng nhanh chóng, thuận tiện vẫn luôn là yếu tố khách hàng đòi hỏi.

Đến nay, những thay đổi của logistics lẫn thương mại điện tử đã phần nào chứng minh định hướng trên của ông. Nhiều "ông lớn" ngành e-commerce đã tập trung đầu tư nhiều hơn vào công nghệ logistics, hình thành hàng loạt trung tâm phân loại, vận chuyển quy mô lớn.

Kho hàng riêng của Lazada Logistics Việt Nam với hệ thống phân loại, xử lý đơn hàng tự động, ứng dụng loạt công nghệ hiện đại. Ảnh: Lazada Việt Nam
Kho hàng riêng của Lazada Logistics Việt Nam với hệ thống phân loại, xử lý đơn hàng tự động, ứng dụng loạt công nghệ hiện đại. Ảnh: Lazada Việt Nam

Lợi ích đa phương nhờ đầu tư công nghệ

Doanh nghiệp thương mại điện tử ngoài sở hữu nguồn lực về tệp khách hàng cũng cần chú trọng đầu tư cho chuỗi cung ứng và hậu cần, góp phần củng cố lợi thế cạnh tranh. Đây cũng là cách giảm phụ thuộc vào bên thứ ba khi có sẵn hệ thống logistics, giao nhận hàng riêng biệt.

Theo đó, việc gia nhập các sàn thương mại điện tử sở hữu hệ thống logistics riêng sẽ giúp nhà bán lẻ tiết kiệm kha khá chi phí vận hành. Đồng bộ từ khâu nhập kho, nhận đơn, xử lý, đóng gói, phân loại và vận chuyển tận tay khách hàng còn tăng tỷ lệ giao hàng thành công.

Về mặt chi phí, nhà bán hàng, thương hiệu cũng đỡ mối lo về việc phân tán phí vận chuyển cho những đơn vị giao - nhận khác nhau. Đây cũng là thực trạng tại thị trường Việt Nam khi các thương hiệu mất không ít công sức lựa chọn, so sánh giá và cân nhắc lựa chọn giữa hàng loạt đơn vị vận chuyển để tìm ra đối tác phù hợp nhất.

Về phía doanh nghiệp thương mại điện tử, chuyên gia xác định đầu tư nền tảng công nghệ là chìa khóa giúp gia tăng lợi nhuận cho chính họ lẫn gắn kết với đối tác thương hiệu, nhà bán hàng. Chẳng hạn như ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào thiết lập tuyến đường giao vận hay phân loại hàng hóa theo khu vực xa - gần, đã giúp cắt giảm nhân lực và thời gian ở các khâu này đáng kể.

Thay vì phải tự thực hiện, nhân sự chỉ cần giám sát. Shipper cũng tăng lượng đơn giao thành công, giảm tỷ lệ hoàn trả hoặc hủy đơn do thời gian giao quá lâu. Người tiêu dùng sớm nhận hàng, đáp ứng nhu cầu cá nhân và thấy hài lòng hơn nhờ trải nghiệm mua hàng tối ưu.

Sức mạnh logistics ngày càng được nâng cao khi ngày càng nhiều doanh nghiệp chạy đua đầu tư công nghệ cho lĩnh vực này. Lazada là một trong những sàn thương mại điện tử Việt hướng đến giao hàng trong ngày với chi phí thấp, mang lại trải nghiệm mua sắm tối ưu cho khách hàng. Ảnh: Lazada Việt Nam
Sức mạnh logistics ngày càng được nâng cao khi ngày càng nhiều doanh nghiệp chạy đua đầu tư công nghệ cho lĩnh vực này. Lazada là một trong những sàn thương mại điện tử Việt hướng đến giao hàng trong ngày với chi phí thấp, mang lại trải nghiệm mua sắm tối ưu cho khách hàng. Ảnh: Lazada Việt Nam

Qua những yếu tố kể trên, ông Kashyap Deorah dự đoán rằng trong năm 2022 và ít nhất 5 năm tới đây, công nghệ logistics sẽ ngày càng bành trướng. Thậm chí, ông còn tham vọng ngành này sẽ vượt mặt Martech trong thập kỷ này. "Khi thương mại điện tử ngày càng lớn mạnh, việc tăng cường đầu tư cho các 'cơ trọng yếu' như công nghệ logistics sẽ là chìa khóa giúp cả hai ngành cùng phát triển vững mạnh, tăng trưởng ổn định và bứt phá hơn nữa", vị CEO HyperTrack chia sẻ.

Thái Nghiên (Theo Forbes)

(Nguồn: vnexpress.net)